Ai cũng có thể thay đổi để tốt hơn
Mình nhận ra một điểm chung giữa bài hát mình thích "Anh đã làm gì đâu" & cuốn sách mình đang đọc "Đừng tự than trách bản thân"
Chúng ta thường có xu hướng trách móc bản thân vì những gì mình đã không làm được trong quá khứ. Hẳn là ai cũng đã từng ít nhất một lần trong đời dằn vặt bản thân bằng những câu hỏi:
“Tại sao mình lại kém cỏi tới vậy?“
“Nếu lúc đó mình làm tốt hơn thì kết cục có khác không?“
“Mình đang làm cái quái gì với cuộc đời mình thế này“
Bài hát & cuốn sách mình vừa nhắc ở trên đều muốn truyền tải tới mọi người rằng: “Ai cũng có thể thay đổi để trở nên tốt hơn“. Vậy, làm sao để từ vùng “than trách bản thân“ nhảy cóc tới vùng “chấp nhận, thay đổi để trở nên tốt hơn“?
Nhẹ nhàng hơn với chính mình
Trong cuốn sách “Đừng tự than trách bản thân“ (tựa gốc: 나는 왜 자꾸 내 탓을 할까), tác giả Huh Kyu Hyeong có nói rằng ông cũng là một người bình thường như bao người khác. Điều khác biệt của ông trước và sau khi trở thành một bác sĩ khoa Sức khỏe & Tâm Thần là ông dần biết chấp nhận bản thân mình hơn. Khi được hỏi: “Làm thế nào để suy nghĩ tích cực trong những tình huống khó khăn? Đó là bản tính trời cho hay phải tự đúc kết“.
Bí quyết mà ông chia sẻ là vẫn có nhiều lúc ông cảm thấy sao mọi chuyện trên đời chả có gì suôn sẻ với mình. Nhưng ông biết chấp nhận những điểm thiếu sót của bản thân & chấp nhận rằng bản thân có những giới hạn nhất định, không phải chuyện gì cũng có thể làm được và không phải chuyện gì có thể theo ý ông.
Chúng ta thường dễ dàng tha lỗi khi có ai đó làm điều sai trái và xin lỗi chúng ta. Vậy có phải là chúng ta đang quá hà khắc với bản thân khi cứ mãi bám chấp, nghĩ về những lỗi sai mà trong bản thân trong quá khứ đã từng gây ra. Cốt lõi của việc trở nên tốt hơn là biết chấp nhận bản thân có những điểm tốt và chưa tốt. Chúng ta cần nhẹ nhàng hơn với bản thân, cho chính ta thời gian để trở nên tốt hơn trong tương lai.
Trong cuốn sách “Đừng tự than trách bản thân“, ông cũng phân tích về những vấn đề tâm bệnh khác nhau cùng các thuật ngữ mà đại chúng hay sử dụng (stress, trầm cảm, ADHD, MBTI, hysteria, tổn thương v.v…). Nhưng điểm khác biệt là cuốn sách này không phải là một cuốn sách bách khoa toàn thư về những vấn đề tâm lý mà ta có thể gặp phải như những cuốn sách. Cái thú vị của cuốn sách là kể về các case-study đang có vấn đề về tâm lý và cách mà ông cho lời khuyên, bốc cho người có vấn đề một “đơn thuốc tâm lý“ giúp họ cảm thấy ổn hơn và không còn dằn vặt chính mình.
Có vài câu chuyện, vấn đề khá xa lạ với mình vì mình chưa từng trải qua bao giờ nhưng vài câu chuyện rất chạm tới mình bởi mình đã từng như vậy. Mình đã từng cảm thấy thật thảm hại khi không thể làm theo những dự định đã đề ra, từng cảm thấy bốc hỏa khi sự vật sự việc không đúng ý mình. Nhưng điều quan trọng là gì các bạn biết không?
Điều quan trọng là một trái tim không bị khuất phục!
Những điều bất như ý xảy ra trong cuộc sống của mình chắc phải đếm thành hàng chục, hàng trăm. Nhưng nếu cứ mỗi chuyện mình đều cảm thấy bất ổn về tâm lí, liệu mình có thể ngồi đây để soạn ra bài viết này. Tác giả Huh Kyu Hyeong giúp mình nhận ra mình có thể áp dụng vào đời sống của chính mình những lời khuyên của ông như thế nào. Bởi mỗi câu chuyện ông kể trong sách đều chính là trải nghiệm khám & chữa các vấn đề tâm lý tới từ bản thân ông. Hàn Quốc & Việt Nam đều có những nét tương đồng về văn hóa Á Đông nên những chia sẻ, tư vấn không làm mình cảm thấy xáo rỗng hay khó hiểu. Ngược lại, mình có cảm giác như đang được đi tham vấn tâm lý thông qua cuốn sách này.
Ngoài ra, kèm theo cuốn sách còn có một cuốn Note “Sổ tay chăm sóc tinh thần“. Mình đếm sơ thì có khoảng gần 100 câu hỏi để bạn có thể thực hành song song khi đọc sách. Đúng với tinh thần của tên sách thì những câu hỏi trong cuốn sổ tay này sẽ khơi gợi bạn cách để nhớ về những gì bạn đã làm tốt trong ngày hôm nay. Những lời khen & lời động viên mà bạn muốn dành cho chính bản thân mình là gì.
Có một quan điểm mình khá đồng ý với tác giả là chỉ có chính ta mới có thể tự chống lại hết những cảm xúc tiêu cực trong ta. Nên điều quan trọng nhất bạn cần là một trái tim không bị khuất phục trước những khó khăn. Những người giúp đỡ bạn lúc bạn bất ổn thật sự rất quý nhưng đoạn đường phía trước vẫn cần ta tự bước đi. Có một đoạn khá hay về sức khỏe tinh thần trong sách như sau:
“Khi bị gãy chân, bạn phải phụ thuộc vào chiếc nạng. Lối tắt nhanh nhất để hồi phục là không đi lại bằng cái chân bị thương. Những nỗi đau tinh thần cũng giống vậy“.
Theo mình hiểu, chúng ta có thể sẽ cần người giúp đỡ những lúc khó khăn nhưng sau đó ta cần phải không phụ thuộc vào bất kì ai. Bản thân ta cần phải tự mạnh mẽ để đi qua hết những khó khăn trong đời mình. Bạn có thấy ai 2 chân lành lặn nhưng vẫn cần sự trợ giúp của nạng để đi lại không?
Lời kết thì mình nghĩ đây là một cuốn sách về tâm lí từ tác giả người Châu Á khá khác biệt so với những gì mình đã từng đọc. Vì trước đây, kiểu sách dùng case-study của tác giả để nói về bệnh tâm lý thường phổ biến hơn ở các đầu sách Châu Âu. Trải nghiệm đọc này mang đến cho mình sự gần gũi, dễ áp dụng, thực hành vào đời sống.